Chân dung Doanh nhân Đào Hồng Tuyển Chúa Đảo Tuần Châu
Năm 1981, xuất ngũ với quân hàm trung úy. Không trở về quê, Đào Hồng Tuyển quyết định bắt đầu cuộc sống tự lập ngay tại đất Sài Gòn. Ông tâm sự : "Tôi xuất thân từ một gia đình nho giáo có truyền thống hiếu học nên khi ra quân, tôi không về quê ngay mà tới Sài Gòn để quyết tâm học hỏi và định cư. Lúc đó, trên vai độc nhất chiếc ba lô có vài bộ quân phục và đôi dép "nhựa Tiền Phong" là quân trang quân đội phát khi ra quân. Không họ hàng thân thuộc, không gia tài, không nghề nghiệp, chỉ có một chút kiến thức về cơ khí, máy tàu và một trái tim người lính đã được rèn luyện trong Hải quân nhân dân Việt Nam. Tôi đã từng phải ngủ trên vỉa hè, ghế đá công viên, lấy ánh đèn công cộng để đọc sách mua bằng những đồng tiền nhỏ nhoi khi rời quân ngũ. Tôi đã phải lang thang như bụi đời giữa Sài Gòn, nhưng không sống theo kiểu bụi đời. Đã phải lăn lưng dọn chuồng lợn cho người có thế lực hòng nhở vả, tìm kiểm việc làm. Thế rồi … cũng may có một người sĩ quan hải quân cho ở nhờ trong chiếc gara ô tô cũ trong những ngày đi tìm việc. Có nhiều đêm, ôm cái bụng lép kẹp nằm trên chiếc chiếu dải ở gara nằm mà không sao nhắm mắt được. Bất giác trong đầu trỗi dậy một ý nghĩ : "Cũng là con người tại sao mình lại khổ đến thế này ?". Và tiếng khóc bật ra lúc nào không biết, chỉ biết rằng giơ tay quệt mắt thì không có nước, người đàn ông khóc mà nước mắt chảy vào trong thì đau đớn lắm ! Đêm đó tôi đã thề với mình rằng, "phải làm thế nào đó để mình thoát cảnh nghèo, thành người giàu. Đêm hôm ấy cũng chính là bước ngoặt của cuộc đời tôi".
Những ngày sau đó, với ý chí nung nấu "quyết làm thay đổi cuộc đời", Đào Hồng Tuyển đã tập hợp bạn bè, tổ chức thành tổ hợp mua bán sắt vụn để kiếm sống. Thời sau năm 1975, phế liệu chiến tranh ở miền Nam rất nhiều, chất lên như núi. Phải nói rằng Tuyển là một người rất giỏi trong việc sử dụng những "dư thừa" của xã hội để thực hiện thành công những dự định của mình. Với ít nhiều kiến thức về cơ khí, máy móc được đào tạo trong quân dội. Tuyển động viên anh em chịu khó tìm tòi, phân loại, giữ lại những bộ phận máy móc còn tốt để tái sử dụng. Đồng thời, tập hợp những người có kiến thức về cơ khí, sinh hóa, các trí thức cũ hiện chưa có việc làm, tập trung trí tuệ, chế tạo các thiết bị, mở các cơ sở chế biến bia, nước giải khát cung cấp cho thị trường Sài Gòn và Nam bộ quanh năm nóng bức. Với nghề mới này cộng với bản chất cần cù, óc sáng tạo, biết lấy chất lượng làm đầu và chú trọng "chữ tín" trong sản xuất - kinh doanh, chỉ trong một thời gian ngắn Đào Hồng Tuyển đã phát triển lên 34 cơ sở sản xuất bia, nước giải khát, cung cấp tời 80% nhu cầu cho thị trường mặt hàng này tại thành phố Hồ Chí Minh. Khi đã có vốn, có lãi. Hồng Tuyển mở thêm kinh doanh siêu thị và một số lĩnh vực khác.
Xuất thân từ một dòng tộc thông minh lại là một người ham học hỏi, khi đất nước bước vào thời mở cửa, nhận thấy sự phát triển của một xu hướng quốc tế sẽ được thực hiện trong tương lai, Đào Hồng Tuyển lại tiếp tục "đi học". Ông tranh thủ ngày đêm học những gì liên quan đên kinh doanh và luật lệ thương mại. Đào Hồng Tuyển tự bỏ tiền du học tại Singapore, Canada, Australia, Mỹ để học về quản trị và quan trọng nhất là học hỏi kinh nghiệm quản lý điều hành sản xuất kinh doanh của các công ty nước ngoài. Đào Hồng Tuyển được dòng tộc và gia đình truyền cho một bộ óc khá thông minh đến mức đọc một cuốn sách xong coi như đã thuộc, đi thăm một nhà máy về có thể vẽ lại sơ đồ rất chi tiết, … cũng từ đó, ông học được nhiều điều mới mẻ rồi vận dụng vào thực tiễn công việc và tự đúc kết cho mình một phương châm tác nghiệp là "mạnh dạn mà không liều lĩnh, mù quáng; quyết đoán mà không cực đoan, bảo thủ, lanh lợi, thông minh mà không xảo trá" để áp dụng trong quản lý điều hành công việc sản xuất kinh doanh, nhờ vậy mà ông đạt được uy tín lớn trong giới doanh nghiệp và khách hàng của mình.
Tiếng lành đồn xa, quý trọng tài năng trong ý chí lập nghiệp và chỉ đạo sản xuất kinh doanh của Đào Hồng Tuyển, năm 1988 Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và bổ nhiệm ông làm Phó Tổng Giám đốc Công ty XNK Trung ương Đoàn. Năm 1992, ông được cử làm Giám đốc trung tâm chuyển giao công nghệ và XNK Khoa học kỹ thuật thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1994, Tuyển chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội phân bón Việt Nam. Ở cương vị nào, Đào Hồng Tuyển cũng gặt hái được những thành công bằng chính "chữ tín" và những phương châm điều hành sản xuất kinh doanh sáng suốt của mình.
Đang làm việc ở những cương vị có thể phát huy được năng lực kinh doanh như thế, lý do gì khiến ông chuyển hướng rồi tìm đến Tuần Châu ? Đào Hồng Tuyển chưa cho ta biết ngày câu trả lời những câu hỏi ấy, thử tìm hiểu một chút câu chuyện mười năm về trước. Đó là dịp ông đến thăm một trường Đại học ở Hà Nội. Qua tiếp xúc với một số sinh viên ở đây, ông nhận ra rằng lớp trẻ trên giảng đường thời điểm ấy dường như chỉ nhìn sự đổi thay của đất nước qua các tòa tháp cao tầng, có khách sạn, các công ty liên doanh mà ở đó đều do người nước ngoài đóng vai trò ông chủ. Còn bóng dáng của người Việt Nam ta xem ra quá mờ nhạt hoặc coi như không có. "Chia tay với các bạn trẻ, đêm về tôi buồn lắm, trằn trọc mãi không ngủ được. Biết bao câu hỏi cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Tại sao người Việt Nam mình lại không thể làm chủ những tòa cao ốc, những công trình đồ sộ ấy ? Phải đâu chúng ta thua kém họ ? Rồi điều gì sẽ xảy ra nếu không có một chiến lược tạo niềm tin và thu hút hiền tài từ chính lớp sinh viên này ? Đất nước đang ở thời kỳ ngổn ngang bao công việc, chọn gì đây, đột phá vào lĩnh vực nào đây để vừa đưa lại hiệu quả cho doanh nghiệp lại vừa ích nước, lợi nhà ?". Những câu hỏi ấy lại theo suốt Đào Hồng Tuyển trong những chuyến vừa lang thang, vừa nghiên cứu, học hỏi ở xứ người. Sau những chuyến du khảo ấy, cũng như nhiều doanh nhân khác, một kết luận mà ông đúc rút được là : ở Việt Nam không thiếu hiền tài, các doanh nhân Việt Nam không thiếu ý chí và tri thức. Người Việt không hề thua kém so với người nước ngoài ! Vấn đề còn lại là ý chí của các doanh nhân, sau đó là sự ủng hộ, cổ vũ và những định hướng đúng của hệ thống chính trị và cơ quan quản lý nhà nước bằng chính sách, cơ chế và hành lang pháp lý. Do vậy, sau những thành công ở đất phương Nam. Những năm cuối của thế kỷ 20, Đào Hồng Tuyển quyết định về quê với quyết tâm sắt đá biến hòn đảo Tuần Châu thành Đảo Ngọc như năm xưa trong một lần đến thăm Hạ Long, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Hy vọng một ý đồ vĩ đại như thế nhưng khi bắt tay vào thực hiện, nhiều người đã gọi ông là "Tuyển thần kinh" và "Tuyển điên rồ". Có người còn cảnh báo rằng "cậu chỉ có thể trồng rừng chứ không thể xây dựng được khu du lịch ở cái đảo hoang nghèo kiết đó đâu". Mặc kệ những lời xúi ngăn, Đào Hồng Tuyển vẫn coi Tuần Châu như một nàng công chúa ngủ quên trong lâu đài mà người đánh thức nàng chính là ông chứ không phải ai khác. Là một doanh nhân đã trải qua bao thử thách, từng đối mặt với rất nhiều rủi ro trên thương trường, ông lại dám đặt cược cuộc đời vào cuộc dấn thân bằng việc bỏ ra trên 80 tỷ đồng để làm một con đường dài hơn 2.000 m từ đất liền ra đảo. Tiếp đó, ông bỏ vốn, thuê xà lan đổ trên 1 triệu khối cát tạo dựng 4 km bãi tắm nhân tạo. Đặt mua hơn 5.000 cây dừa từ tỉnh Thanh Hóa ra trồng phủ bóng cho đất và đặt mua cau vua từ thành phố Hồ Chí Minh cho lên tầu đưa về đảo để tạo cảnh quan cho khu du lịch. Hoàn tất công việc ấy, để tạo sắc thái riêng cho Tuần Châu, Đào Hồng Tuyển nghĩ ngay đến việc thu hút trí tuệ của các chuyên gia quy hoạch và kiến trúc từ nhiều quốc gia trên thế giới với mong muốn đồng tiền bỏ ra phải có hiệu quả đích thực và khu du lịch giải rí này phải đáp ứng được tính nhân văn, hiện đại hóa mà vẫn mang đậm tinh hoa văn hóa Việt Nam. Ông tập trung xây dựng khu vườn ẩm thực theo phong cách độc đáo và mô phỏng kiến trúc cung đình Việt Nam từ thế kỷ 17 với lớp lớp các tòa ngang dãy dọc, thủy đình ẩn mình bên những gốc đào cổ thụ. Các khu dánh cho ca múa nhạc dân tộc, sân khấu múa rối nước, dàn nhạc nước. Một câu lạc bộ cá heo và sinh vật biển được xây dựng trên diện tích 14.000 m2. Câu lạc bộ biểu diễn cá sấu, rạp xiếc, sân khấu ca nhạc được xếp vào loại tầm cỡ trong khu vực. Đào Hồng Tuyển khẳng định rằng : "Không phải bất cứ nhà doanh nghiệp thành đạt nào khi khởi nhiệp cũng đều thừa kế tài sản lớn của cha ông để lại, để có ngay sự thuận lợi và suôn sẻ".
Đi lên từ hai bàn tay trắng để mà có được thành công Đào Hồng Tuyển đã trải qua bao khó khăn, vất vả, hy sinh, bao nỗi thăng trần của cả chiến trường lẫn thương trường. Ngay khi còn là chiến sĩ tàu không số vận tải vũ khí theo đường Hồ Chí Minh trên biển vào chiến trường miền Nam, nhiều lần cận kề cái chết, ranh giới giữa cái sống và cái chết chỉ như sợi chỉ mỏng manh. Đào Hồng Tuyển đã vĩnh biệt nhiều đồng đội hy sinh ngay trên đường làm nhiệm vụ và an táng họ ngay giữa biển khơi. Quãng đời ấy cho ông sự trải nghiệm và bản lĩnh phi thường để vào thương trường, cũng không kém phần khó khăn, quyết liệt. Trước sự lớn mạnh của các công ty của ông, cũng có nhiều câu hỏi đầy nghi vấn : liệu có phải là các hoạt động "rửa tiền", kinh doanh phi pháp v.v… ? Để bảo vệ cho các thành quả của mình trải qua bao gian khó mới có được, những đồng vốn của trí tuệ và sự làm ăn chân chính trước nhiều luồng thông tin không thiện chí có lúc phải đổi bằng máu. Ông đã viết bốn lá thư bằng máu gửi lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Có người hỏi ông đã gặp bao nhiêu trở ngại trong cuộc đời doanh nhân ? Ông nói : "Không thể kể hết được. Chỉ có thể hình dung rằng, tôi đã phải vượt qua một bãi chông gai và cả một biển đau thương". Nhiều người hỏi Đào Hồng Tuyển : Trong thương trường, đạt được thắng lợi như hôm nay, anh có bài học kinh nghiệm gì và những bí quyết gì để thành công ? Vẫn với cái chất và trái tim người lính, Hồng Tuyển nói ; "Những năm tháng trong quân ngũ tuy không nhiều, nhưng đã cho tôi những bài học thật to lớn. Đó là tinh thần đoàn kết, ý chí tiến công đến cùng như lời của bài hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" nó đã giúp tôi những bài học quý báu trên thương trường. Tôi là "thằng lính" có học, chịu học, học ở mọi nơi và mãi mãi học. Tôi học chính quy, học tại chức, nhưng có lẽ học nhiều nhất là ở "trường đời", ở thực tế cuộc sống, ở cả chiến trường và thương trường. Còn bí quyết thành công ư ! Theo tôi đó là : phải biết vận dụng quy luật của nền kinh tế thị trường; phải nắm bắt và chớp được thời cơ trong kinh doanh, phải biết cách huy động nguồn lực vốn, vật chất và trí tuệ con người, đầu tư có trọng điểm, có chiều câu và quảng bá rộng rãi.
Đặc biệt phải có ý tưởng táo bạo, mạo hiểm, phải nhìn thấy, phát hiện những năng lực dư thừa, lãng phí của xã hội mà tạo cơ hội, tạo vốn cho mình. Đi đầu trong sử dụng và sử dụng có hiệu quả các trí thức đã được phương Tây và Hoa Kỳ đào tạo. Vâng, vốn là ở chỗ đó!
Bắt tay thực hiện dự án khu du lịch quốc tế đa năng Tuần Châu - Hạ Long, Công ty Âu Lạc của Đào Hồng Tuyển đứng trước hàng núi khó khăn. Nhưng Đào Hồng Tuyển với tình yêu mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, sự quý trọng vùng di sản thiên nhiên thế giới và cũng là sự trăn trở để thực hiện bằng được lời di huấn của Hồ Chủ tịch : "Phải xây dựng Tuần Châu thành Ngọc Châu" khi Người về thăm xã đảo ngày 1 tháng 4 năm 1959. Khi di khảo sát thực tế, Tuyển thấy một xã đảo nghèo xơ xác với 1500 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề chài lưới, thô sơ. Tuy vậy, ông vẫn phát hiện ra ở đây có một tiềm năng du lịch to lớn. Đảo Tuần Châu có vị trí thuận lợi cả về đường thủy và bộ, nằm ngay tại Trung tâm di sản thiên nhiên thế giới, duy chỉ có một khó khăn lớn nhất là cách bệt với đất liền hơn 2 km. Để xây dựng một tương lai huy hoàng cho đảo ngọc, Đào Hồng Tuyển quyết định một phương án táo bạo: "Dời non, lấp biển, làm một con đường kiên cố, nối từ đất liền vươn ra tới đảo Tuần Châu".
Theo tính toán phải tiến hành trong vòng ba năm và đầu tư một khoản tiền tới chục tỷ đồng.
Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh ủng hộ. Công ty Âu Lạc đầu tư xây dựng con đường vượt biển dài hơn 2 km nối quốc lộ 18 với Đảo Tuần Châu. Đổi lại Đào Hồng Tuyển được quyền sử dụng (ban đầu) là 98 ha đất trên đảo. Trong gần hai năm, hàng triệu mét khối đất đá và theo đó là hàng chục tỷ đồng chìm nghỉm dưới đáy biển. Có những lúc đã tưởng "dã tràng xe cát", đích thân Đào Hồng Tuyển phải lặn xuống biển để khảo sát quy luật dòng chảy để rồi tìm ra phương án tối ưu, tiếp tục lấp biển làm đường hợp lý nhất. Sau hơn 500 ngày đêm lặn lội, vất vả, con đường từ đất liền đã vươn tới đảo. Cuối năm 1998, khi con đường đã chạm đến đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt. Có lúc Đào Hồng Tuyển đã thấy mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nhưng chính những lúc đó, nghị lực từ trái tim người lính và bản lĩnh của một doanh nhân đã thức tỉnh, thúc giục ông thực hiện đến cùng việc làm con đường vượt biển ra đảo.
Tuy nhiên, làm thế nào để Tuần Châu trở thành một trung tâm du lịch và giải trí có tầm cỡ quốc tế lại là một bài toán cực kỳ hóc búa, Hồng Tuyển nghĩ : "Phải làm cho Tuần Châu đẹp hơn, hiện đại hơn những khu du lịch nổi tiếng thế giới như Bali (Indonesia), Phukhet (Thái Lan), hấp dẫn hơn và phải nhân văn hơn". Vừa đi các nơi để học hỏi kinh nghiệm,tham khảo mô hình, ông còn tập hợp quanh mình hàng trăm chuyên gia kỹ thuật trong và ngoài nước để tham gia vào đồ án tổng thể Khu du lịch Tuần Châu.
Dự án lớn đầu tiên Công ty Âu Lạc đầu tư là bãi tắm nhân tạo dài hơn 4 km. Hơn một triệu mét khối cát được vận tải bằng đường biển từ Trà Cổ về Tuần Châu (cách xa gần 200 km), công trình này đã được hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Một thành công khác rất độc đáo của ông ở Tuần Châu là sự ra đời Vườn ẩm thực Việt Nam. Khu Vườn được xây dựng theo phong cách riêng của văn hóa ẩm thực Việt Nam, với những ngôi nhà bằng gỗ, theo phong cách cung đình thế kỷ 17 và 18. Với lớp lớp tòa ngang dãy dọc, thủy đình, sân khấu múa rối nước, đàn nước và thác nước, khai trương công trình biểu diễn phun nước, chiếu phim trên màn hình nước v.v… Vườn ẩm thực có tổng diện tích hơn 20.000 m2 bao gồm 14 căn nhà được chia thành các khu Ngọc Châu, Vườn
Đào, Thủy Đình, Suối Thiên Thai, có thể phục vụ cùng một lúc 4.000 du khách.
Tuần Châu đã đưa vào sử dụng hệ thống phục vụ nghỉ dưỡng, bao gồm những khách sạn, biệt tự với hơn 400 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế Bốn sao chuẩn bị hoạt động thêm 500 phòng đạt tiêu chuẩn Năm sao đón khách quốc tế. Đầu năm 2005, Công ty Âu Lạc đã ký kết hợp đồng Liên doanh với Tập đoàn DYE Mỹ trị giá 1,5 tỷ USD để xây dựng tổ hợp Du lịch - sân Golf 36 lỗ, với các hệ thống dịch vụ hiện đại để có thể tổ chức các giải golf lớn thế giới. Một hợp đồng liên doanh vừa ký kết cuối tháng 6 năm 2005 với một tập đoàn của Hoa Kỳ trị giá 200 triệu USD nhằm hợp tác xây dựng và khai thác khu khách sạn Resort cao cấp và dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước tại Đảo Tuần Châu.
Đào Hồng Tuyển kêu gọi đầu tư hướng tới tạo một dòng kênh xuyên đảo là một công trình ngoài sự tưởng tượng của nhiều người; tạo đường thủy cùng xuyên từ đảo Tuần Châu ra động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ; Cung biểu diễn Mùa Đông, Khu dinh thự ASEAN; Phim trường đẳng cấp quốc tế; Trường Đại học Quốc tế, Bệnh viên Quốc tế, Tuyến cáp treo siêu dài từ đảo Tuần Châu về đảo Cát Bà v.v…
Tuần Châu ngày càng lung linh như một vì sao sáng của du lịch Việt Nam và khu vực Châu Á. Biến "đảo nghèo" thành đảo Ngọc - Đào Hồng Tuyển đã làm được một điều phi thường mà không phải doanh nhân nào cũng nghĩ và làm được.
Tạp chí Vietnam Economic Times - Supplement June 205 đã viết : "Anh là một nhà lý luận, một nhà hùng biện, một nhà khoa học, nhà kiến trúc, nhà triết lý và là một nhà thơ… Sự khác người đó đã tạo nên một chân dung Đào Hồng Tuyển lạ lẫm và đầy thú vị". Ông được mọi người thừa nhận là một nhà kinh doanh hiện đại, nổi tiếng và thành đạt là một tài năng kinh doanh lớn của Việt Nam.