NHỮNG VỊ THÀNH HOÀNG HỌ ĐÀO Ở HẢI PHÒNG VÀ DANH TƯỚNG ĐÀO NHUẬN
NHỮNG VỊ THÀNH HOÀNG HỌ ĐÀO Ở HẢI PHÒNG VÀ DANH TƯỚNG ĐÀO NHUẬN
Tác giả: Nguyễn Đình Chỉnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng
Qua nghiên cứu các bản thần tích (còn gọi là Ngọc phả) và các vị Thành hoàng được phụng thờ tại các địa phương của thành phố Hải Phòng, chúng tôi thấy họ Đào có nhiều vị tướng hiển thánh và xung quanh các Ngài là những câu chuyện linh dị, huyền bí, những lễ hội độc đáo, đặc sắc đậm nét văn hóa dân gian trường tồn đến ngày nay.
Ngay từ thuở nhà nước Văn Lang, dưới triều Hùng Duệ Vương, tức là vua Hùng thứ 18 ở trang Vân Sơn, huyện Thượng Hiền, đạo Sơn Nam Hạ có ông là Đào Phức, bà là Nguyễn Thị Thuần. Hai ông bà là người thiện, đức nhưng tuổi cao mà chưa có con nối dõi. Ông bà nghe tin chùa Sài Sơn (chùa Thày) linh thiêng nên đã đến cầu tự. Được thần nhân chỉ bảo, ông bà chu du về trang Vân Đôi, huyện Tiên Minh, phủ Kinh Môn (nay là thôn Vân Đôi, xã Đoàn Lập, Tiên Lãng). Tại miếu cổ trang Vân Đôi, bà Thuần được thiên thần báo mộng đầu thai, sau đó sinh ra Ngài Đào Thượng. Ông Đào Thượng lớn lên trở thành vị tướng tài ba của vua Hùng Duệ Vương. Ông Đào Thượng đã cùng Tản Viên Sơn thánh giúp vua Hùng đánh giặc giữ yên đất nước. Sau khi thắng trận ông về trang Vân Đôi mở yến tiệc khao thưởng dân làng và ông đã hiển hóa tại đây. Biết tin ông mất nhà vua phong cho ông là Thượng đẳng phúc thần. Cho địa phương lập đền để phụng thờ, đền thờ ông tục gọi là đền Bì, ngôi đền lộ thiên được xây dựng bằng đá xanh tự nhiên có từ rất lâu đời. Bia đá tại đền ghi, giữa thế kỷ XIX, quan Tổng đốc họ Phan ở Hà Tĩnh thấy đền nhỏ bằng đá nên cầu đảo xin bỏ tiền xây mới đền Bì bằng gạch, gỗ nhưng không được. Ngôi đền Bì nổi tiếng thiêng liêng xếp vào hàng đệ nhất ngũ linh từ (năm ngôi đền linh thiêng) của huyện Tiên Lãng. Xa xưa đền Bì là nơi quan huyện Tiên Lãng tổ chức đảo vũ cầu mưa khi gặp thiên tai hạn hán, sau tế lễ các tổng trong huyện tổ chức thi bơi thuyền trên đầm Bì. Sau những nghi lễ và hoạt động hội trên người dân thường thấy ứng nghiệm. Chính vì vậy người dân Tiên Lãng có câu ca:
“Lụt lội thì tháo Cống Đôi
Nhược bằng hạn hán thì bơi đền Bì”
Cũng bởi ngôi đền linh thiêng, quá nổi tiếng nên ở phía dưới của đầm Bì có ngôi đền thờ một vị thần khác, nhưng người ta cũng gọi tên ngôi đền này là “ Đền Bì dưới”, có khi còn gọi là “Đền Bì em”. Do vậy tạo ra những sự hiểu lầm không đáng có cho những người dân nơi khác đến đây tham quan, chiêm bái. Như vậy sự xuất hiện vị thánh Đào Thượng trong thần tích cổ của trang Vân Đôi kể trên, chúng ta có thể khẳng định dòng họ Đào cùng với các dòng họ khác như: họ Nguyễn, họ Bùi, họ Dương, họ Tạ… là những dòng tộc có vai trò, vị trí khai sáng của lịch sử Việt Nam.
Đầu thế kỷ I có ông Đào Quang, ông ở vùng Vĩnh Thế, phủ Kinh Môn, Hải Dương. Thuở nhỏ ông chịu khó học hành nên giỏi cả văn lẫn võ. Để kiếm kế sinh nhai ông về trang Cựu Đôi (thị trấn Tiên Lãng ngày nay) dạy học, ông dạy giỏi, hiền lành, đức độ nên học trò theo rất đông, nhân dân quanh vùng mến mộ. Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa ông đã tập hợp lực lượng bạn bè và học trò thành đội nghĩa binh kéo về Mê Linh giúp hai Bà Trưng. Sau chiến thắng ông xin Hai Bà về Cựu Đôi tiếp tục dạy học. Sau khi qua đời ông được nhân dân địa phương lập đền thờ và được nhiều triều vua ban tặng sắc phong Thành hoàng làng.
Cùng thời điểm trên tại trang Cương Nha (xã Khởi Nghĩa, Tiên Lãng ngày nay) có ông Đào Lang. Ông là người thông minh, nhanh nhẹn, tinh thông cả văn lẫn võ, ông lại tốt bụng hay giúp đỡ mọi người nên ai cũng yêu mến.
Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, Đào Lang đứng lên tập hợp dân quanh vùng thành đội nghĩa binh ứng nghĩa ở Mê Linh. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ông được Hai Bà ban thưởng cho trở về quê hương làm ăn và canh giữ vùng ven biển. Sau khi qua đời ông được người dân địa phương lập đền phụng thờ và suy tôn làm Thành hoàng làng.
Thời vua Lý Bôn, thế kỷ VI, có ông Đào Uông và bà Tạ Thị Thuần ở trang Văn Giang, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, nhà nghèo làm nghề chài lưới. Tuổi cao chưa có con trai ông bà đến chùa Yên Tử cầu tự, sau đó ông bà đi chu du và về trang Kỳ Sơn, huyện Nghi Dương (nay là Kỳ Sơn, Tân Trào, huyện Kiến Thụy). Tại đây ông bà được báo mộng có thủy thần đầu thai, sau đó sinh ra ông Đào Hạo. Ông Hạo là người có tư chất thông minh, khỏe mạnh hơn người, ông rất hứng thú với trò chơi ném hòn đá tròn xuống ao để chúng bạn xuống mò, ai mò lên trước sẽ được ông trọng thưởng bằng cách làm bài, hoặc giảng giải chữ nghĩa mở mang hiểu biết. Ông Đào Hạo lớn lên văn võ toàn tài. Đất nước Vạn Xuân có giặc Lâm Ấp, Chiêm Thành đến xâm lược, vua phát lệnh chiêu dụ nhân tài trong cả nước. Ông Hạo đã tập hợp hàng ngàn người lên kinh đô bái yết vua. Vua thử tài, thấy ông văn, võ thao lược nên đã ban phong cho ông chức Chỉ huy Sứ Đại tướng quân thủy quân. Ông nhận lệnh vua tiến quân về phía miền biển, ông về trang Kỳ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn. Tại đây ông cho dựng quân đồn để phòng giặc, giữ yên cho dân. Mọi người nơi đây rất kính phục ông và xin ông được làm thần tử. Sau khi thắng giặc ông được vua phong thưởng công lớn. Ông về Kỳ Sơn mở yến khao dân và hiển hóa tại đây. Được tin vua sắc phong cho ông là Thượng đẳng phúc thần, ban cho nhân dân Kỳ Sơn lập đền thờ và sau này suy tôn ông làm Thành hoàng làng. Lễ hội truyền thống kỷ niệm về ông tại Kỳ Sơn thường có trò chơi “Vật cầu” để ôn lại trò chơi mò đá của ông Đào Hạo khi tuổi niên thiếu. Ngày nay lễ hội “Vật cầu” là hoạt động hội lễ, một di sản văn hóa phi vật thể rất độc đáo, đặc sắc của thành phố Hải Phòng.
Thế kỷ X, dưới triều vua Lê Hoàn, tại trang Trinh Hưởng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương có ông bà Đào Chu và Trần Thị Ngọc, tuổi đã cao nhưng chưa có con nối dõi. Hai ông bà đến cầu tự tại chùa La Vân - Mây lành (ngôi chùa tại điạ phương), được thiên quan báo mộng cho ngọc tê. Sau này bà Ngọc sinh liền ra ba người con trai: Đào Tế, Đào Lai và Đào Độ, lớn lên các ông tinh thông văn chương, võ nghệ. Đất nước có giặc Tống sang xâm lược, Lê Hoàn cầu hiền tài ra giúp nước, các ông ứng thi được Lê Hoàn trọng dụng phong cho chức tước cầm quân ra chiến trường đánh giặc. Thắng trận trở về các ông được vua ban thưởng trọng hậu, sau đó các ông cùng hóa tại quê hương. Nhà vua biết tin sắc phong cho các ông là Thượng đẳng phúc thần, ban cho địa phương 300 tiền công để dựng đền thờ các ông. Nhân dân địa phương đã suy tôn các ông là Thành hoàng làng.
Thời nhà Lý thế kỷ XI, tại trang Dụ Nghĩa, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương (nay là thôn Dụ Nghĩa, Lê Thiện, An Dương) có gia đình lương thiện là ông Đào Mỹ và bà Nguyễn Thị Vinh. Tuổi ông bà đã ngoài tứ tuần mà chưa có con nối dõi. Ông bà lập đàn kỳ đảo trời, đất, đương lúc thỉnh đàn trời đất nổi phong ba bão tố và có một rồng xanh giáng xuống đàn. Cùng đêm đó bà Vinh mộng được thần nhân báo sẽ có con của Thủy đế đầu thai làm con trong gia đình. Sau này bà Vinh sinh được một người con trai khôi ngô tuấn tú, dĩnh ngộ khác người thường. Đến năm ba tuổi đặt tên là Tế Công, 13 tuổi đi học, không bao lâu ông đã thông thạo kinh sử, uyên thâm binh pháp, võ nghệ, có thể hô phong, hoán vũ, biến hóa vô cùng. Đất nước có giặc Chiêm Thành đến xâm lược, nhà vua phát hịch tìm người hiền tài giúp nước. Biết Tế Công là người tuấn kiệt nhà vua cho sứ giả về tận trang Dụ Nghĩa mời Tế Công về triều. Nhà vua nhìn thấy Tế Công oai phong lẫm liệt đã thấy kính nể, sau khi thử tài thấy Tế Công là bậc xuất kỳ, bạt loại. Nhà vua rất tin tưởng ban chức tước cho ông cầm quân đi đánh giặc. Sau khi thắng giặc ông được phong thưởng phẩm tước cao, ông về thăm quê hương và hóa tại đây. Được tin ông mất nhà vua sai sứ thần mang sắc phong về tận quê hương làm lễ an táng cho ông, ban cho địa phương 3 trăm tiền công để lập miếu phụng thờ. Ban cho trang Dụ Nghĩa được hưởng đặc ân đất hộ nhi (địa phương được miễn phu dịch, tô, thuế). Sau này nhiều triều đại ban sắc phong ông làm Thành hoàng làng.
Cùng thời kỳ nhà Lý tại trang Vân Tra, huyện An Dương, phủ Kinh Môn (nay là thông Vân Tra, xã An Đồng, An Dương) có ông Đào Văn Lôi nguyên quán ở Kim Nhan, châu Hoan (nay là Thanh Chương, Nghệ An), một trong số các vị quan khai quốc công thần triều Lý, Thân Mẫu là bà Đỗ Thị Uyển một danh gia vọng tộc của trang Vân Tra. Thuở niên thiếu Đào Văn Lôi được nuôi dạy ở quê mẹ. Vốn là người thông minh mẫn tiệp nên ông học giỏi, tài kiêm văn võ. Đời vua Lý Thái Tổ ông giữ chức Đô đài lang, năm Qúy Sửu (1013), ông được phong chức Tiền Kim ngô tướng quân. Khi xảy ra loạn ba vương, ông cùng với Lê Phụng Hiểu, Lý Nhân Nghĩa đánh dẹp ba vương đưa Lý Phật Mã lên ngôi vua. Do đó ông được phong chức Tả phúc tâm. Năm Canh Ngọ (1030) ông được cử đi dẹp loạn ở hai châu Hoan, Aí, ông phủ dụ dân yên. Năm Qúy Sửu (1043) ông theo vua đi thân chinh đi đánh quân Xiêm xâm phạm vùng biển Đại Ác, Tư Khách…ông được giao chức Thần vũ Thượng tướng quân. Sau khi thắng trận ông được phong chức Thái úy, tước Thành Quốc công. Khi Nùng Chí Cao dựa vào vùng động Vật Ác làm phản, ông được vua giao cùng Thái úy Quách Thịnh Dật đi đánh dẹp. Vì có công phủ dụ người thiểu số nên ông được thăng Thái bảo Lĩnh Quốc công. Khoảng niên hiệu Long Chương thiên tự (1066 - 1067), ông xin về trí sĩ, nhà vua chuẩn cho và cho ông mở phủ đệ ở Vân Tra, thỉnh thoảng vua ngự về thăm hỏi. Khi triều đình có việc vua mời ông về triều hoặc sai sứ về hỏi. Khi trí sĩ ông mở trường dạy học, sĩ tử theo học rất đông có tới 2 trăm người thành tài. Môn sinh tôn ông là Vân Am Phu tử. Khi quân Tông sang xâm lược vua Lý Thánh Tông triệu ông hồi triều, mặc dù tuổi già nhưng ông vẫn xin ra trận. Sau khi thắng trận ông về Kim Nhan và hóa tại đây. Được tin vua cho tạc tượng ông để phụng thờ và ban sắc phong ông là phúc thần. Ông là Thành hoàng của các làng Vân Tra, Đồng Giới Tây, Đồng Giới Đông, huyện An Dương.
Thời kỳ Hậu Lê, thế kỷ XVII có Đào Công Chính, ông người làng Hội Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo). Ngay từ thời nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, được mọi người gọi là thần đồng. Năm 13 tuổi ông đỗ Hương cống (Cử nhân sau này). Khoa thi Hội, thi Đình năm Vĩnh Thọ thứ tư (1661), đời Lê Thần Tông, ông đỗ Bảng Nhãn (một trong ba bậc tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa). Ở Hải Phòng chỉ có mình ông đạt học vị này. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm quan trong triều. Năm 1673 ông được cử tham gia đoàn đi sứ nhà Minh. Vì hoàn thành tốt nhiệm vụ đi sứ nên ông được thăng thưởng chức Hữu thị lang Bộ Lễ, tước Nam. Ông còn được chọn làm người giảng sách cho nhà vua (Kinh diên giảng quan). Ông được tham gia nhóm biên soạn quốc sử và những sách quan trọng của quốc gia. Đào Công Chính còn là một danh y của nước ta. Ở quê hương người dân vãn lưu truyền câu ca: “Thánh thuốc Nam, Hội Am Vĩnh Lại”. Ông đã soạn bộ sách thuốc: “Bảo sinh diên thọ toàn yếu” rất có giá trị để người dân biết cách giữ vệ sinh, rèn luyện thân thể, giữ gìn tuổi thọ, sách cũng giới thiệu phương pháp chữa một số bệnh nội khoa thường gặp như: tim, dạ dày, mật, phổi… Sau khi đọc cuốn sách của ông vua Lê và Định Nam vương Trịnh Căn rất khen ngợi và sai khắc ván in. Sau đó sách được in lại nhiều lần, một số nơi còn lưu được bộ sách quý này. Ông được dân làng quê hương suy tôn là Phúc thần, thờ phụng tại đình làng.
Danh tướng Đào Nhuận, ông người làng Gia Viên (có tên Nôm là làng Cấm). Sau khi Ngô Quyền đã giết được kẻ phản bội Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền biết được quân xâm lược Nam Hán tiến vào xâm lược nước ta bằng đường biển qua cửa sông Bạch Đằng. Ngô Quyền đã nhanh chóng hành quân về vùng đất phía Đông của huyện An Dương, phủ Kinh Môn. Ông đã cho dựng hành cung tại làng Gia Viên, vào thời điểm đó vùng đất này làng xã chưa được hình thành nhiều, mới chỉ có làng Vẻn (Trang An Biên) và làng Gia Viên. Để chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch đánh địch Ngô Quyền cho đắp thành đất theo hình vành kiệu ở Từ Lương Sâm. Từ thành vành kiệu đi lại với làng Cấm rất thuận tiện bằng các chiến thuyền nhỏ qua các nhánh sông và lạch nước thoát triều. Thành đất còn có vai trò như sở chỉ huy tiền phương, vừa có khả năng công và thủ trong đánh địch. Đặc biệt ông cho đóng những bãi cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn ở dưới lòng sông Bạch Đằng để phá chiến thuyền của giặc. Theo truyền ngôn để tuyệt đối giữ bí mật cho trận đại chiến, nên làng Gia Viên được Ngô Quyền cho canh gác rất cẩn mật, do vậy địa danh làng có tên Nôm làng “Cấm” từ thời đó. Tại Gia Viên Ngô Quyền đã tuyển chọn được một số gia thần, thủ túc, trong số đó có ba người tài năng nổi trội hơn cả, đó là bà Vũ Quyến Hoa, ông Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố. Bà Vũ Quyến Hoa được giao làm chủ tướng quân lương, sau ngày thắng lợi bà được phong Quận Chúa. Sau khi mất bà hiển hóa trở thành bậc thánh linh thiêng, dân gian tôn vinh gọi bà là Bà Chúa Nam Phương (còn gọi tên khác Chúa Bà Năm Phương). Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố là tráng đinh, khỏe mạnh, làm nghề chài lưới trên sông, nên rất giỏi bơi, lặn, hai ông được Ngô Quyền chọn làm gia thần. Theo ngọc phả Ngô Vương Thiên tử, trong trận đại chiến trên sông Bạch Đằng đánh quân xâm lược Nam Hán năm 938. Tướng quân Đào Nhuận cùng với tướng Dương Tam Kha được Ngô Quyền giao cho chỉ huy trên một ngàn cung thủ mai phục hai bên bờ sông để bắn tên vào thuyền giặc. Trận đại chiến trên sông Bạch Đằng chỉ diễn ra trong thời gian gần một ngày. Thời đó do những điều kiện lịch sử nên việc ghi chép về trận chiến Bạch Đằng, và sự đóng góp của các tướng lĩnh và nhân dân để lại không nhiều. Nhưng chúng ta có thể khẳng định dưới sự chỉ huy tài giỏi của Ngô Quyền, sự chung sức, chung lòng của nhân dân nên đã dành được chiến thắng rất anh hùng. Cho đến ngày nay, ngoài các vị là Hoàng thân, quốc thích như: Ngô Xương Ngập (con trưởng của Ngô Quyền), Dương Tam Kha (em vợ của Ngô Quyền) ở thành phố Hải Phòng mới tìm được 6 nhân vật được ghi tên trong các tư liệu cổ gồm: ba vị ở làng Cấm như đã nêu ở trên và 3 anh em họ Lý: Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả (3 ông ở trang Hạ Bì, tức là Hoàng Pha, Thủy Nguyên ngày nay). Một trong số những người cận gần, giúp sức cho Ngô Quyền được người đời sau nhắc tới nhiều đó là danh tướng Đào Nhuận. Theo truyền ngôn sau chiến thắng Bạch Đằng Ngô Quyền xưng Vương đóng đô ở Cổ Loa. Hai ô Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố theo Ngô Quyền và trở thành gia tướng luôn hầu cận bên cạnh vua Ngô Quyền. Tại Hải Phòng những đình, đền, miếu thờ Ngô Quyền người dân thường lập ban thờ phối hai ông và gọi là ban thờ “Hai ông Quan lớn”. Có nhiều nơi tạc tượng hai ông đứng hầu hai bên trước thần tượng Ngô Quyền. Quê hương Gia Viên được Ngô Vương Quyền ban cho đặc ân là đất hộ nhi. Đình Gia Viên hiện nay được trùng tu rất khang trang, to, đẹp. Tại tòa thiêu hương đình Cấm có thần tượng hai vị Đào Nhuận và Nguyễn Tất Tố. Hai Ngài được tạc bằng gỗ quý, đặt trong long khám lớn, ở tư thế đứng, y quan phẩm phục, cầm binh khí, thần thái nghiêm nghị như đang hầu cận bên cạnh Đức Ngô Vương.
Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi viết trong “Bài cáo bình Ngô”, một thiên cổ hùng văn:
“…Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Mà hào kiệt không bao giờ thiếu…”
Đối với dòng họ Đào cũng đúng như những câu thơ trên của Nguyễn Trãi. Qua những vị thánh, phúc thần, danh tướng kể trên chúng ta thấy hầu như các thời kỳ lịch sử quan trọng của dân tộc, đặc biệt là những thời điểm đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm đều có những vị anh kiệt trong dòng họ Đào xuất hiện ra giúp dân, cứu nước. Các ông đã trở thành các vị thánh anh minh luôn phù giúp cho quốc thái, dân an. Các ông là những người ưu tú, xuất sắc của họ Đào, đã góp phần to lớn làm rạng danh, vẻ vang dòng họ Đào trên đất nước Việt Nam. Các ông mãi mãi được người dân tri ân, tôn kính, phụng thờ cùng với sự trường tồn của quốc gia. Hậu duệ họ Đào rất tự hào về các ông và chắc chắn sẽ được các ông phù giúp, che chở trong sự nghiệp, đời sống thường nhật hôm nay và mai sau.
Qua cuộc hội thảo khoa học hôm nay, thiết nghĩ họ Đào của thành phố Hải Phòng nên tổ chức cho dòng họ những hình thức phù hợp để truyền thông, tham quan, chiêm bái những nơi phụng thờ các Ngài Thành hoàng, phúc thần họ Đào. Bởi hiện nay địa điểm thờ các Ngài ở Hải Phòng đều đã xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia hoặc cấp thành phố.
Tài liệu tham khảo:
1. Nhân vật lịch sử Hải Phòng tập 1, Nxb Hải Phòng, 1997.
2. Ngô Đăng Lợi, Những ông Nghè đất Cảng, Nxb Hải Phòng, 1994.
3. Thần tích các làng: Vân Đôi, Đoàn Lập, Tiên Lãng; Kỳ Sơn, Tân Trào, Kiến Thụy; Dụ Nghĩa, Lê Thiện, An Dương; Vân Tra, An Đồng, An Dương.