Thân thế và sự nghiệp của danh y Đào Công Chính (Bảng Cõi)
Đào Công Chính vốn tên là Đào Dĩnh Đạt, khi đi thi Hương mới đổi là Đào Công Chính vì sợ trùng với tên cúng cơm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Nguyễn Văn Đạt). Ông sinh năm 1639, người làng Cõi, tổng Đông Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Xuất thân từ một gia đình nho học lâu đời, có nhiều người đậu trung khoa, có người vào học ở Quốc Tử Giám. Cụ Tổ trực hệ của Đào Công Chính là cụ Đào Trực Tiết được phong tước Vĩnh Nhân Công. Khi chí sỹ về hưu, cụ mở trường học, sỹ tử theo học khá đông, do đó tạo hiệu là Cối Kê tiên sinh. Thân phụ của Đào Công Chính cũng theo nghiệp nhà, nhưng đường cử nghiệp lận đận. Đào Công Chính từ thuở nhỏ đã thông minh, ham học và được coi là thần đồng. Lần đầu dự thi hương ông đã đậu Hương Cống khi mới 13 tuổi ta. Cha ông cũng phải lều chõng nhập trường để giúp con đặt chõng, căng lều.
Theo các sách Đăng Khoa Lục hiện còn lưu giữ và bia ký ở Văn miếu – Hà Nội thì làng Hội Am có:
- Phạm Đức Khản đậu Hoàng Giáp khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ 6 (năm 1448) đời Vua Lê Nhân Tông. Ông được coi là Tiến sỹ khai khoa của Hải Phòng.
- Nguyễn Cối đậu đồng Tiến sỹ khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 đời Vua Lê Thánh Tông (năm 1478)
- Đào Công Chính đậu Bảng Nhãn khoa Tân Sửu niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 đời Vua Lê Thần Tông (năm 1661) khi mới 23 tuổi và để tránh tên húy, nhân dân trong vùng gọi là Bảng Cõi.
Được vua yêu, chúa quý nên thăng tiến rất nhanh, chỉ trong vòng 15 năm (1661-1676) từ Thị thư Hàn lâm viện đã được bổ nhiệm chức Phủ doãn Phụng Thiên (Người đứng đầu kinh đô Thăng Long). Năm 1673, Đào Công Chính được triều đình cử làm Phó sứ đoàn do chánh sứ Hồ Sỹ Dương phụ trách sang Trung Quốc. Năm 1675 về nước, do hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông được phong chức Lại bộ Hữu thị lang (Thứ trưởng Bộ Nội vụ), Hình bộ Hữu thị lang (Thứ trưởng Bộ Tư pháp), Nhập thị kinh diên giảng quan (Người giảng sách cho vua) rồi Tăng tả thị lang, Quang tiến Thận lộc đại phu, Bồi tụng… (Tương đương chức Phó Thủ tướng CP hiện nay).
Đào Công Chính còn là tác gia quan trọng của thế kỷ XVII, khi còn là Thị thư Hàn lâm viện, ông là đồng tác giả tham gia biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư, biên tập phần kỷ tục biên hoàn thành (1665).
Khi Nhập thị kinh diên (giảng sách cho vua) trong vòng 2 năm (1675-1676) cùng lúc ông làm Sử quan Tổng tài (Chủ biên) biên tập 2 quốc sử nổi tiếng là: Trùng san Lam Sơn thực lục, Trung hưng thực lục.
Đặc biệt năm 1676, Đào Công Chính biên soạn sách Bảo sinh diên thọ toản yếu theo chỉ dụ của vua Lê Hiển Tông và chúa Trịnh Căn, nội dung sách viết về thuật dưỡng sinh cho vua, quan, chưa phải cho thứ dân nhưng sách viết rất toàn diện cả về lý luận lẫn thực tiễn, phòng bệnh, chữa bệnh, rèn luyện hướng dẫn cách ăn uống, kiêng kỵ, tắm giặt, nghỉ ngơi và cả về hoạt động tình dục... Sách bám sát thực tế của nhân dân và được thừa nhận vận dụng có kết quả, được các bậc danh y sau này tiếp thu, vận dụng, phát triển nâng cao, vì vậy ông còn được tôn vinh là "Đức thánh thuốc nam, Hội Am - Vĩnh Lại"
Dù nắm quyền cao chức trọng, nhưng ông là một quan thanh liêm, cả cuộc đời lo cho dân cho nước. Ngay cả khi về nghỉ hưu, danh y Đào Công Chính sống thanh bạch tại mảnh đất mà ông bỏ tiền ra mua từ trước gần chùa Nhân Mễ (nay thuộc xã Vinh Quang, cách Hội Am trên 3 km) mở trường dạy học và chữa bệnh cứu người. Ông mất vào ngày 17/3 Kỷ Sửu (tức 26/04/1709) và được an táng tại khu vực này. “Tháng 3 Bảng Cõi về trời. Tháng 5 Chiêu Tổ cũng rời trần gian". Sau gần 2 thế kỷ yên nghỉ tại Nhân mễ, đến năm 1901 dòng họ Đào Công ở Hội Am mới đưa thi hài ông về an táng tại nghĩa trang làng Hội Am như ngày nay.
Ngoài ra ông còn được coi như là một nhà thơ, nhà ngoại giao, nhà sử học, đặc biệt là danh y - Nhà dưỡng sinh học nổi tiếng thế kỷ XVII.
Vì sao danh nhân Đào Công Chính vắng bóng một thời?
Đào Công Chính từng là một hiền tài, ích quốc lợi dân thế kỷ XVII, nhưng tiếc thay sang đến thế kỷ XVIII, vua quan nhà Nguyễn cho rằng: Sử gia thời Lê -Trịnh viết sử quân gia, không dựa vào quan điểm chính thống của vua, mà dựa vào quan điểm của chúa (mắc tội không kính trọng, yêu mến vua) nên đã bị vua Minh Mạng hạ chiếu xóa tên, thu hồi, đốt sách, cấm không được lưu hành sử sách thời Lê-Trịnh, đây cũng là lý do làm cho danh nhân Đào Công Chính tổn hại thanh danh, vắng bóng một thời.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ QUÊ HƯƠNG DANH Y ĐÀO CÔNG CHÍNH (BẢNG CÕI)