Nhà thiết kế đứng sau bộ nhận diện mới của Vinamilk: "Các chuyên gia quốc tế đến Việt Nam làm dự án sáng tạo phải biết đi xe ôm, đọc lịch sử, uống trà đá"
Trở về Việt Nam sau gần 10 năm sống tại Mỹ, Duy Đào bắt tay thực hiện dự án thay đổi bộ nhận diện cho Vinamilk, với suy nghĩ "không thể làm việc cho một thương hiệu quốc gia đứng đầu ngành, một người phụ nữ kinh doanh giỏi nhất, nhưng lại bằng lòng rằng mình làm việc "tạm ổn" được. Không phải dự án này".
Ngày 6/7, CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk chính thức công bố bộ nhận diện thương hiệu mới sau gần 5 thập kỷ, với logo được chuyển từ dạng phù hiệu (emblem) sang biểu tượng chữ (wordmark), cùng dòng “Est 1976” bên dưới chữ “Vinamilk” màu trắng trên nền xanh dương.
Đây là kết quả sau 12 tháng dài thiết kế, với 55 chuyên gia đến từ hơn 10 quốc gia, bao gồm nhiều người Việt. Trong đội ngũ này, Duy Đào (Đào Đức Duy) - người vừa trở về Việt Nam sau 10 năm sống và làm việc tại Mỹ - đảm nhiệm vai trò giám đốc sáng tạo kiêm designer chính, cũng là cầu nối giữa team Việt Nam và quốc tế.
Tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế tại Art Center College of Design (California, Mỹ) – một trong 10 trường thiết kế tốt nhất thế giới, Duy Đào sở hữu bảng thành tích “khủng” như 3 lần đoạt giải thưởng của Hiệp Hội Nghệ Thuật Mỹ; tạo ra những tác phẩm và dự án được xuất bản trên nhiều ấn phẩm uy tín như sách “Những Tác Phẩm Chữ Đẹp Nhất Thế Giới 2018”, hoặc được trưng bày tại nơi danh giá như Bảo tàng Thiết kế Cooper Hewitt (New York).
Đáng chú ý, nhà thiết kế trẻ này từng làm việc với nhiều thương hiệu toàn cầu danh tiếng, từ các công ty lớn lâu đời trong Fortune 500 đến những startup tham vọng, bao gồm Google, Facebook, Twitter, Oppo, Logitech, Apple Music, v.v..
“Sau thời gian dài làm dự án cho các công ty Fortune 500 ở Mỹ, chưa bao giờ tôi và đội ngũ của mình dồn nhiều tâm huyết bằng dự án thiết kế bộ nhận diện mới cho Vinamilk. Bởi vì với tôi, đơn giản đây là dự án của đất nước mình, câu chuyện và khát vọng của nước mình. Với các bạn trong team thì đây là đề bài hoàn toàn mới với nhiều tiềm năng”, Duy Đào chia sẻ.
Ước mơ toàn cầu, nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt
“Bố tôi có nói trước lúc nhận làm dự án rằng: chỉ người Việt mới thực sự yêu các giá trị của người Việt. Các bạn quốc tế có thể thích và uống sữa hằng ngày, nhưng sẽ khác cái thích của người Việt với Vinamilk.
Tôi năm 10 tuổi chùm áo trốn trận mưa rào Hà Nội, ngồi sau xe máy được mẹ đưa cho bình sữa Vinamilk uống “tiếp tế” lúc tan học chính, để đi học thêm cho đỡ đói. Đến bây giờ chắc chắn vẫn rất nhiều bé ôm mẹ uống sữa sau xe máy như thế trên cả nước.
Cái đấy chính là Việt Nam. Tôi muốn các bạn quốc tế làm cùng hiểu được điều đó. Hiểu rằng Vinamilk không phải là tên của thương hiệu, mà đã và đang trở thành văn hóa của cả một đất nước”, Duy Đào cho biết.
Trên tinh thần đó, một số chuyên gia quốc tế đến Việt Nam đã được đội ngũ của anh hướng dẫn “sống như người Việt” để hiểu văn hóa và con người, từ đó thu nạp thêm vốn kiến thức làm dự án.
“Với tôi, các bạn quốc tế đến Việt Nam làm dự án sáng tạo cho một thương hiệu quốc gia có bề dày thì phải biết đi bảo tàng, đi xe ôm, ăn phở, đọc lịch sử, uống trà đá, đi chợ, biết thế nào là cơm tấm vỉa hè, ăn cơm nhà, gắp rau muống chấm nước mắm, chứ không nên cưỡi ngựa xem hoa”, nhà thiết kế trẻ bày tỏ.
Một năm trước, trong lúc điều hành đội ngũ làm nghiên cứu và truyền đạt cho các chuyên gia quốc tế về câu chuyện của Vinamilk cũng như Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên, Duy Đào cũng nhấn mạnh mong muốn của một cô gái trẻ trong việc đóng góp cho đất nước, thay đổi cả một ngành và xây dựng thương hiệu tốt nhất tại Việt Nam.
“Tôi có nói với team nhiều lần rằng chúng ta cũng phải “muốn” làm như thế, phải mong muốn đây là dự án thiết kế chứa đựng nhiều cố gắng nhất từ trước đến giờ của một thương hiệu lớn đến từ Việt Nam, phải xứng với nguồn năng lượng và cách suy nghĩ của CEO và Vinamilk.
Các bạn không thể làm việc cho thương hiệu quốc gia đứng đầu một ngành, một người phụ nữ kinh doanh giỏi nhất, nhưng lại bằng lòng rằng mình làm việc “tạm ổn” được. Không phải dự án này. Từ đó, mong muốn chung của cả tôi và các đồng đội trong suốt 12 tháng được hình thành”, anh cho hay.
“Mình và đội ngũ làm dự án luôn biết ơn và trân trọng sự tự tin, táo bạo của một thương hiệu quốc dân có truyền thống như Vinamilk. Toàn bộ nhân sự quốc tế và trong nước đều tự hào khi được một thương hiệu đầu ngành tại Việt Nam tin tưởng. Để dự án sáng tạo đến được đích, 51% là do những người quyết định và thực thi”, Duy Đào chia sẻ.
Do đội ngũ tham gia dự án đến từ nhiều nước, rất nhiều cuộc họp xuyên lục địa đã diễn ra trong suốt 12 tháng giữa nội bộ team của Duy Đào.
Sau khi Vinamilk công bố bộ nhận diện mới hôm 6/7, nhiều cuộc tranh luận xuất hiện. Một số người đánh giá thiết kế này có phần đơn giản hơn nhiều so với bộ nhận diện cũ, đồng thời đặt ra câu hỏi rằng liệu người tiêu dùng có thích nghi được với hình ảnh hoàn toàn mới này hay không.
Tuy nhiên, bất chấp ý kiến trái chiều, những chiếc avatar nền xanh dương chữ trắng lấy cảm hứng từ thiết kế mới của Vinamilk đã phủ kín mạng xã hội, nhận được hưởng ứng tích cực từ những người trẻ và cởi mở với sự đổi mới. Chỉ với vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể tạo logo cho riêng mình dựa vào công cụ do Vinamilk cung cấp.
“Một thiết kế tái định vị thương hiệu thành công theo thời gian hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào team nội bộ vận hành và phát triển. Theo tôi, chiến dịch thay avatar của Vinamilk là một ý tưởng rất thông minh, tạo được độ phủ sóng cao và trở thành xu hướng rất sáng tạo”, Duy Đào cho biết thêm.
Cũng theo Duy Đào, đây là lần đầu tiên có một dự án thiết kế quy mô như vậy được thực hiện ở Việt Nam. Anh bày tỏ niềm tin đây là khởi đầu để ngành thiết kế sáng tạo tại Việt Nam cũng như khu vực phát triển hơn rất nhiều trong tương lai.