Trang trại hoa hòe của 'ông trùm' phân bón hữu cơ - Đào Tiến Tình
Đưa hoa hòe từ Thái Bình về trồng tại Chư Sê
Chư Sê một thời được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Chư Sê đang ngày càng đổi thay, cây hồ tiêu đã được người dân thay thế bằng các loại cây trồng có giá trị cao.
Cũng như nhiều hộ dân trong vùng, ông Đào Tiến Tình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đào Tiến Phát Gia Lai (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) từng sở hữu hơn 20ha hồ tiêu. Những năm 2016 - 2018, ông Tình gặp không ít sóng gió khi nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, rồi giá giảm sâu. Vỡ mộng với cây tiêu, ông Tình chuyển sang trồng chuối tiêu hồng theo hướng nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ cao. Sau đó, ông lại quyết định chuyển toàn bộ sang trồng cây hoa hoè.
Khi được hỏi về mối duyên với cây hoa hòe, ông Tình cho biết, ông sinh ra ở Thái Bình, nơi được xem là quê hương của cây hoa hòe. Sau thời gian dài nghiên cứu, ông nhận thấy cây hoa hòe rất thích hợp với vùng đất Chư Sê. Hoa hòe là cây thân gỗ, họ đậu, được trồng để lấy nụ hoa, nhanh cho thu hoạch và mang lại thu nhập cao. Đặc biệt, loại cây này cho thu hoạch gần như quanh năm.
Cuối năm 2021, ông Tình mua cây giống từ Thái Bình về trồng thử nghiệm trên diện tích 4ha. Nhận thấy cây hoa hòe mang lại giá trị kinh tế cao, đến cuối năm 2022, ông tiếp tục mở rộng thêm 7ha tại xã Kông H’Tok (huyện Chư Sê). Ngoài ra, ông còn trồng thêm 10ha ở huyện Mang Yang. Toàn bộ vườn cây được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ.
“Cây hoa hòe rất dễ chăm sóc, trung bình 1 năm chỉ cần bón 1 lần phân chuồng và khoảng 5 lần phân bón hữu cơ vi sinh, tất cả được hòa vào nước theo hệ thống tưới tự động. Đặc biệt, cây hoa hòe không bị sâu bệnh nên gần như không sử dụng thuốc trừ sâu”, ông Tình chia sẻ.
Cây hoa hòe đang được các doanh nghiệp lớn ở Thái Bình thu mua để xuất khẩu nên ông Tình đã đặt vấn đề với các doanh nghiệp thu mua hoa hòe cho mình. Với giá bán 120 - 130 ngàn đồng/kg, bình quân 1ha cây hoa hòe cho thu hoạch 4 tấn hoa khô/năm, trừ chi phí thì lãi khoảng 250 triệu đồng.
Thời gian tới, ông Tình dự định thuê 40ha đất ở xã Đêr Ar (huyện Mang Yang) để mở rộng trồng cây hoa hòe. Ông cũng có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy chế biến và vườn ươm cây giống để không bị động vấn đề đầu ra cũng như cung cấp thường xuyên cho đối tác với số lượng lớn sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết, cây hoa hòe sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch, rất phù hợp trồng tại huyện Chư Sê. “Chúng tôi đang theo dõi thêm để có những đánh giá chính xác hơn về cây hoa hòe trong thời gian tới, nếu đem lại hiệu quả thực sự sẽ tham mưu huyện để hỗ trợ cho người dân phát triển”, ông Hợp chia sẻ.
Lan tỏa cách làm phân bón hữu cơ vi sinh
Ở vùng đất Chư Sê, ông Tình được nhiều người dân biết đến, nhất là những hộ dân gắn bó với ngành nông nghiệp. Bởi lẽ, ông là người tiên phong nghiên cứu và sản xuất thành công phân bón hữu cơ từ chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO).
Ông Tình cho biết, việc nghiên cứu và sản xuất phân bón từ chế phẩm IMO rất tình cờ. Bản thân ông gắn bó nhiều năm với nghề nông nghiệp, đặc biệt là cây hồ tiêu. Nhưng rồi hồ tiêu bị thất bại, ông chuyển toàn bộ diện tích sang trồng chuối tiêu hồng. Trong thời gian này, ông nhận thấy phụ phẩm từ chuối sau khi xuất khẩu còn dư thừa nhiều, không xử lý hết, gây ô nhiễm môi trường. Từ đó, ông đã nảy ra ý tưởng tận dụng các loại chất thải này để làm phân bón hữu cơ từ chế phẩm IMO với thương hiện ĐTP.
“Để cây trồng cho năng suất, chất lượng cao thì các yếu tố nước tưới, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, việc người dân lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hay tình trạng vật tư nông nghiệp giả tràn lan đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Chính vì vậy, việc sản xuất thành công phân bón hữu cơ từ chế phẩm IMO đã tạo hiệu ứng tính cực cho nền nông nghiệp sạch”, ông Tình chia sẻ.
Năm 2021, ông Tình thành lập nông hội phân hữu cơ IMO của huyện Chư Sê và hướng dẫn toàn bộ quy trình sản xuất cho bà con để cùng nhau áp dụng cho vườn cây của gia đình.
Theo ông Tình, chế phẩm IMO có thể sản xuất được 100 sản phẩm khác nhau phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch. Các phế phụ phẩm nông nghiệp sau khi mua về sẽ được phân loại, đánh giá hàm lượng NPK, phối trộn với men vi sinh và ngâm ủ. Phân bón hữu cơ thương hiệu ĐTP hiện đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cấp phép lưu hành trên toàn quốc. Phân hữu cơ ĐTP của ông Tình đã được thị trường khắp cả nước đón nhận với lượng tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 15.000 lít.
“Với những ai quan tâm đến ngành nông nghiệp đều sẽ hiểu, việc tận dụng các chế phẩm vi sinh và phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ đã mang lại những gia trị rất lớn cho cây trồng. Đặc biệt, chi phí đầu tư cho lĩnh vực này gần như bằng 0 đồng”, ông Tình chia sẻ.
Ông Tình cho biết, sau khi trải qua nhiều lớp tập huấn, nông dân ở huyện Chư Sê phần lớn đã biết cách sản xuất phân bón hữu cơ từ chế phẩm IMO. Thậm chí, nhiều người còn chia sẻ kiến thức của mình cho những người khác trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên để cùng phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Tuấn Anh